Công tố viên đặc biệt của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, ông Jack Smith, đã nộp một bản cáo trạng bổ sung truy tố cựu Tổng thống Donald Trump liên quan tới những cáo buộc ông Trump cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 sau khi thua ông Joe Biden.
Tài liệu lần này được tinh chỉnh dựa trên phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Mỹ rằng các tổng thống được miễn truy tố đối với một số hành động được thực hiện với tính chất công vụ trong thời gian tại vị.
Bản cáo trạng lần này vẫn bao gồm bốn cáo buộc hình sự đối với ông Trump, nhưng lược bỏ một số mô tả hành vi bị cáo buộc của cựu tổng thống.
Bốn tội danh ông Trump bị cáo buộc gồm: âm mưu lừa dối nước Mỹ, âm mưu cản trở công vụ, cố gắng cản trở công vụ và âm mưu chống lại các quyền.
Ông Trump đã tuyên bố vô tội đối với tất cả các cáo buộc trên.
Trước đó, ông Trump đã phủ nhận những cáo buộc can thiệp bầu cử, tuy nhiên vẫn luôn khẳng định, dù không đưa ra bằng chứng, rằng đã xảy ra gian lận bỏ phiếu trên diện rộng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Ông Todd Blanche, luật sư cá nhân của ông Trump, đã chuyển yêu cầu bình luận của BBC sang ban tranh cử của ông Trump.
BBC không nhận được phản hồi.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump nói rằng bản cáo trạng mới là "một nỗ lực hồi sinh chiến dịch săn phù thủy vốn đã chết rồi" và "đánh lạc hướng người dân Mỹ" khỏi cuộc bầu cử.
Ông kêu gọi "bác bỏ NGAY LẬP TỨC" bản cáo trạng này.
Một nguồn tin thân cận với đội ngũ pháp lý của ông Trump nói với CBS News, đối tác của BBC tại Mỹ, rằng bản cáo trạng mới "không bất ngờ".
"Đây là điều chính phủ phải làm dựa trên phán quyết của Tòa án Tối cao," nguồn tin cho biết.
“Nó không ảnh hưởng tới quan điểm của chúng tôi rằng cáo buộc của ông Smith có nhiều lỗ hổng và nên bị bác bỏ.”
Theo luật của Mỹ, nếu tòa án bác bỏ một cáo trạng vì có lỗi về pháp lý hoặc xảy ra lỗi đại bồi thẩm đoàn, chính phủ có thể đưa ra một bản cáo trạng mới trong vòng sáu tháng kể từ ngày cáo trạng bị bác bỏ hoặc trong thời hạn truy tố ban đầu (tùy theo thời điểm nào muộn hơn).
Ông Trump gặp cộng đồng người Việt ở Virginia: 'Họ yêu mến tôi và tôi cũng yên mến họ'
Ông Trump và bà Harris đối lập về chính sách kinh tế - vấn đề lớn nhất của cuộc bầu cử
Kamala Harris: Bốn điểm nổi bật trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng Dân chủ
Bản cáo trạng mới, được tinh giản từ 45 trang xuống còn 36 trang, điều chỉnh lại ngôn từ, đồng thời tinh chỉnh lại cách thức lập luận của cáo buộc đối với ông Trump để phù hợp với phán quyết về quyền miễn trừ của tổng thống do Tòa án Tối cao đưa ra trước đó.
Ví dụ, bản cáo trạng mới bỏ đi cáo buộc cho rằng ông Trump đã cố gắng gây áp lực lên các quan chức Bộ Tư pháp để lật ngược kết quả tranh cử.
Tòa án Tối cao đã phán quyết rằng các chỉ đạo của ông Trump đối với các quan chức tư pháp không phải là hành vi phạm pháp.
Trong một thông cáo vào hôm 27/8, văn phòng công tố viên đặc biệt đã giải thích về bản cáo trạng mới.
"Bản cáo trạng lần này, được trình bày trước một bồi thẩm đoàn mới chưa từng nghe bằng chứng liên quan tới vụ án, phản ánh nỗ lực của chính phủ trong việc tôn trọng và thi hành các quyết định và chỉ thị của Tòa án Tối cao trong vụ kiện giữa ông Trump và Mỹ," văn phòng cho biết.
Bộ Tư pháp từ chối bình luận thêm.
Tài liệu buộc tội mới lập luận rằng ông Trump hành động với tư cách là một công dân bình thường, chứ không phải là tổng thống, khi tiến hành kế hoạch mà ông bị cáo buộc nhằm tác động tới kết quả bầu cử.
Một đoạn mới trong bản cáo trạng viết:
“Bị cáo không có trách nhiệm chính thức liên quan đến quy trình chứng nhận kết quả bầu cử, nhưng với tư cách là một ứng cử viên trong cuộc bầu cử, ông ấy có lợi ích cá nhân trong việc được tuyên bố chiến thắng.”
Một đoạn mới khác đề cập đến một vụ kiện do ban tranh cử ông Trump từng nộp tại Georgia.
Trong khi bản cáo trạng cũ nói rằng vụ kiện được "nộp với tên của ông ấy [ông Trump]," bản cáo trạng mới viết rằng vụ kiện được "nộp với tư cách ứng cử viên cho chức tổng thống."
Bản cáo trạng mới dường như cũng đã loại bỏ các cáo buộc đối với ông Jeffrey Clark - một cựu quan chức của Bộ Tư pháp, người đã đóng vai trò quan trọng trong cái gọi là âm mưu "đại cử tri giả", theo thông tin từ các công tố viên.
Mô hình "đại cử tri giả" là một nỗ lực can thiệp vào hệ thống Đại cử tri Đoàn – nhóm các đại cử tri tổng thống có ảnh hưởng mang tính quyết định tới kết quả bầu cử.
Mô hình này tập trung vào việc thuyết phục các cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát ở bảy bang lựa chọn các đại cử tri Cộng hòa hoặc không chỉ định bất cứ đại cử tri nào ở các bang mà ông Biden đã giành chiến thắng.
Các chứng nhận đầu phiếu giả mạo sau đó được chuyển đến Thượng viện Mỹ với mục đích thay thế các phiếu của đại cử tri thật và lật ngược chiến thắng của ông Biden.
Ông Clark không được nêu tên trong cả hai bản cáo trạng, nhưng đã được truyền thông xác định thông qua các hồ sơ công khai.
Trung Quốc chi hơn 15 tỷ USD cho tập trận ở Thái Bình Dương trong năm 2023
'Mổ heo lấy thịt': Phanh phui cơ sở lừa đảo Trung Quốc trên đảo nhỏ ở châu Âu
Ukraine: Nga không kích lớn nhất từ trước tới nay
Bản cáo trạng mới vẫn giữ nguyên một số cáo buộc chính đối với Trump, bao gồm việc ông cố gắng thuyết phục Phó Tổng thống Mỹ, khi đó là ông Mike Pence, cản trở thể thức chứng nhận bầu cử của ông Biden.
Trong phán quyết vào tháng Bảy của Tòa án Tối cao, Chánh án John Roberts viết rằng bất kỳ cuộc trò chuyện nào giữa Trump và ông Pence có thể được liệt vào dạng hoạt động công vụ.
“Ông Trump ít nhất sẽ được hưởng quyền miễn truy tố,” ông viết, đồng thời bổ sung rằng phải chờ xem sắp tới chính phủ Mỹ có thể phản bác lại “giả định về quyền miễn trừ” đó hay không.
Bản cáo trạng mới thể hiện việc ông Smith đánh giá rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ cho thấy vụ án của ông vẫn có thể được tiến hành, theo ông Daniel Charles Richman, một chuyên gia về luật hiến pháp tại Trường Luật Columbia.
Tuy nhiên, việc liệu bản cáo trạng lần này có tuân theo khung miễn truy tố của tổng thống do Tòa án Tối cao đề ra hay không vẫn chưa rõ, ông Richman đánh giá.
"Tòa án Tối cao vô cùng mơ hồ trong việc xác định loại hành vi cá nhân nào của một tổng thống có thể bị truy tố hình sự."
Bản cáo trạng mới không nhất thiết đẩy nhanh quá trình xét xử, ông Richman nói với BBC.
Ông cho rằng vụ án có lẽ được đưa ra xét xử sau khi cuộc bầu cử Mỹ đã kết thúc.
Nguồn tin của CBS News gần gũi với đội ngũ pháp lý của Trump cho biết rằng các luật sư của cựu tổng thống sẽ yêu cầu thêm thời gian để chuẩn bị cho vụ án.
Họ cho biết nếu thẩm phán đồng ý, điều này khả năng cao sẽ làm trì hoãn phiên tòa.
Vụ án này được khởi động sau khi ông Smith được Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bổ nhiệm vào năm 2022 để giám sát hai cuộc điều tra liên bang đối với ông Trump: vụ án can thiệp bầu cử và một vụ án khác cáo buộc cựu tổng thống mang tài liệu mật về nhà riêng ở Florida sau khi rời nhiệm sở.
Vào ngày 26/8, đội của ông Smith đã kháng cáo phán quyết của một thẩm phán ở Florida về việc bác bỏ vụ án tài liệu mật.
"Tòa án liên bang tại khu vực đã đi ngược lại các tiền lệ ràng buộc của Tòa án Tối cao, diễn giải sai các điều luật cho phép bổ nhiệm công tố viên đặc biệt và không xem xét đầy đủ lịch sử lâu dài của việc Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm công tố viên đặc biệt," nhóm các công tố viên đặc biệt viết trong đơn kháng cáo.
Cả hai vụ án đều đối diện với một tương lại chưa rõ ràng sau khi Tòa án Tối cao đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt vào tháng trước.
Nếu đắc cử tổng thống, ông Trump được dự đoán sẽ chỉ đạo Bộ Tư pháp hủy bỏ tất cả các cáo buộc liên bang mà bản thân đang phải đối mặt.